Thursday, May 10, 2012

NHỮNG CHUYỆN THƯỜNG NGÀY…


BÁNH CAM

Chú Tư rất giàu có, nhà không thiếu thứ gì, nhất là trong việc ăn uống các món ngon vật lạ. Có điều đặc biệt là chú rất thích ăn bánh cam. Món bánh dân giả chiên bằng bột gạo, có nhân đậu xanh nghiền, bùi bùi. Không phải ăn hoài, nhưng lâu lâu thấy chú bảo chị bếp mua bánh cam cho chú ăn. Và cái cách chú ăn rất ư là ngon lành.
Hỏi sao chú thích bánh cam thì chú trả lời: Hồi bé nhà nghèo, rất thích ăn bánh cam. Trưa nào bà bán bánh cam cũng rao bán ngang nhà. Thèm ơi là thèm. Có lần xin má tiền mua bánh không được, cằn nhằn, cự nự, bị má quất cho một trận nên thân.
Những năm đi học xa nhà, mỗi lần sắp tựu trường, thế nào buổi sáng hôm đó má cũng mua cho bánh cam để ăn trước khi đi học. Giờ thì tiền bạc không thiếu, đồ ăn thức uống không thiếu, bánh cam muốn ăn bao nhiêu cũng có, chỉ thiếu má! Vì vậy mà chú thích ăn bánh cam để nhớ má.
BẺ CUA
Trong một lớp giáo lý tại một họ đạo kia, ngày nọ đang lúc các bạn mình say mê học giáo lý thì lại có ba bạn trai trốn học để đi đánh bida. Ðang khi đó ở nhà ba mẹ của ba em này cứ tin tưởng con mình đã đến nhà thờ học giáo lý. Thật là tội nghiệp cho các ngài. Vì họ không biết con của mình đã bẻ cua.
Bẻ cua là một trong những biểu hiện của sự thiếu thành thật. Từ nhỏ mà đã thiếu thành thật thì lớn lên thì có thể sẽ rất nguy hiểm. Có thể có nhiều nguyên nhân làm cho nhân cách của một con người trở nên không tốt như thế. Dù vậy, nguyên nhân lớn hơn cả là từ những người lớn.
Tuổi nhỏ rất nhạy bén nên cũng rất mau tiếp thu. Chúng nó thấy người lớn làm thế nào thì chúng nó cũng sẽ bắt chước. Trong công việc làm ăn mua bán những việc làm mánh mun, gian xảo của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến con cháu của mình.
Một gia đình cha mẹ quá khắt khe sẽ tạo cho con cái của mình sự mất cân bằng tâm lý. Ðời sống tâm lý thiếu cân bằng sẽ đưa đến việc dồn nén. Kéo theo đó là những việc làm hay những lời nói để vượt qua sự khắt khe đó.
Căn bệnh thành tích cũng là phần không nhỏ khiến cho các em nhỏ phải cố gắng để đạt được. Cố gắng bằng mọi hình thức bất chấp tất cả. Từ đó đưa đến thái độ thiếu thành thật.
Trẻ nhỏ là tương lai của xã hội và của gia đình. Hãy vì tương lai của thế hệ trẻ, vì hạnh phúc của gia đình mà người lờn hãy biết làm gương và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho con cháu được lớn lên trong một bầu không khí thoải mái quân bình.
CẦU TOÀN
Có những người không bao giờ hài lòng với chính mình. Càng không khi nào hài lòng về người khác. Họ luôn luôn thấy ai, chuyện gì cũng có khuyết điểm. Cơm khô, chê cứng. Cơm mềm, chê nhão. Trời nắng, than nóng. Trời mưa, than buồn. Nhìn đâu họ cũng thấy mặt trái của vấn đề. Thất nghiệp: tại xui. Con đau: tại thời tiết. Người khác giúp mình, chắc họ lợi dụng. Nghèo khó: tại không có phần!!!
Trên đời này làm gì có chuyện hoàn hảo! Là người, ai ai cũng có những khuyết điểm, lỗi lầm. Ông Trời cũng chịu, không thể làm vừa lòng cùng lúc hết mọi người. Vì hễ trời nắng, tốt dưa, nhưng chưa chắc đã tốt cho lúa. Còn trời mưa, tốt lúa, nhưng chưa chắc đã tốt cho dưa.
Cần biết chấp nhận chính mình, với nhưng ưu, khuyết điểm của mình, của người, mà vươn lên, vui sống!
ĐỨNG NÚI NÀY TRÔNG NÚI NỌ
Hai bạn học lâu ngày gặp nhau:
·        Bà sao rồi?
·        Vẫn khoẻ.
·        Bồ sao, chồng con ổn chứ?
·        Cũng tạm ổn, có điều phải chi chồng mình được như anh Đông, nhà cùng xóm, thì hay biết mấy. Ông ấy chăm lo cho vợ con hết biết.
·        Chăm lo là sao?
·        Ờ thì sáng nào cũng đưa con đi học, siêng làm, mới cưới có mấy năm mà cất được nhà mới, vợ con phây phây!!!
·        Hoàn cảnh mình cũng giống như bồ. Phải chi ông xã nhà mình giống như anh Năm giám đốc, coi vậy mà giỏi giang hết biết, lương cao, tiền nhiều, thấy mà ham.
Những tiếng thở dài “phải chi” thường ở cửa miệng của chúng ta. Sao anh A, anh B tốt thế này, giỏi thế kia, ngày xưa bạn không tìm kết hôn với những người như thế, để bây giờ than khổ. Và cũng chắc gì những gia đình mà bạn so sánh lại không có những nỗi khổ riêng của họ.
Người ta thường “đứng núi này trông núi nọ”. Ít ai chấp nhận hiện tại của mình. Và càng ít ai chịu khó để tìm cách vượt qua khó khăn, mà thường cứ đổ thừa cho người khác, cho hoàn cảnh.
LÀM NGƯỜI CÓ ÍCH
Nghe tin bạn của em mất đột ngột vì tai nạn giao thông, anh lấy làm tiếc nuối. Không biết vì sao em vẫn chưa nhận ra cái giá phải trả cho việc chạy xe phóng nhanh vượt ẩu. Ðây không phải là người bạn đầu tiên mà đã là hai ba người bạn thân của em đã ra đi một cách oan uổng như thế.
Anh không dám khẳng định lần này bạn em vì chạy ẩu mà bị như thế. Nhưng anh thừa biết tính của tụi em. Tốc độ chưa “gác kim” là tụi em chưa vừa lòng đâu. Dường như khi ngồi trên xe thì tụi em không còn biết sợ là gì. Cũng như tụi em không còn coi sinh mạng của mình cũng như của người khác là gì.
Tụi em có biết mỗi lần tụi em ra khỏi nhà là gia đình và nhất là cha mẹ phải lo lắng thấp thỏm như thế nào không? Có cha mẹ nào an tâm khi con của mình ra đường chạy xe quá ẩu như thế không em. Mấy lần mẹ phải khóc tức tưởi khi em về nhà với thân thể băng bó vì tai nạn xe. Cha mẹ nào cũng mong muốn cho con mình nên người tốt. Một người tốt có ích lợi cho nhiều người khác. Thử hỏi tụi em làm như vậy có ích lợi gì cho ai không?
Người ta nói “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Tuy nhiên, nếu em thật sự quyết tâm tu tâm dưỡng tánh em sẽ làm được. Bởi lẽ, con người còn thở là còn có khả năng thay đổi. Hy vọng một lần nữa qua đám tang của bạn, lần này em sẽ thức tỉnh. Với sự thức tỉnh này em sẽ trở thành người có ích cho bản thân cũng như cho người khác.
HUỆ  ĐỒNG ĐàNHẠT MÀU
Mưa vẫn còn rơi nhẹ trên căn nhà nhỏ. Bác Hai ngồi với bát cháo nóng trên tay. Cái lạnh cơn mưa chiều làm thân gầy của Bác Hai càng co rúm lại. Tuổi chỉ ngoài 60 nhưng nhìn Bác Hai gần như 80. Sống một mình, không đủ ăn, bệnh tật tái diễn theo mùa, những bất lợi đó cũng  thấy cảm thương cho tuổi già trong ngày mưa gió.
Được tôi đến thăm Bác mừng lắm. Nét mặt rạng rỡ của Bác thoáng nhanh rồi chuyển sang sự ngượng ngùng đến khó tả. Bác sợ người khác bắt gặp buổi ăn chiều đơn sơ của mình. Dẫu có nhanh tay thu xếp cho gọn gàng nhưng Bác vẫn để lộ bát cháo còn dỡ dang với vài cọng rau muống. Cháo nấu với rau là buổi ăn chiều của Bác. Thật xót thương tuổi già sức yếu, chỉ biết làm bạn với rau cháo trong những ngày mưa. Bữa ăn “rau cháo dưa cà” những tưởng đã đi vào cổ tích nhưng thực ra vẫn còn tiếp diễn hôm nay, nơi những người nghèo không được ai quan tâm chăm sóc. Tuổi già cần được nuôi dưỡng và cấp dưỡng, riêng Bác Hai có lẽ mỗi ngày càng suy dinh dưỡng với những bữa ăn “không ra gì”.
Chim trời không gieo không gặt nhưng không con nào bị rơi; hoa huệ ngoài đồng không làm lụng, không kéo sợi nhưng vẫn rạng rỡ hơn mọi cẩm bào của Salômon. Lời Chúa có còn linh nghiệm nữa không hay chỉ để an ủi phận người? Thiên Chúa trợ giúp qua tay con người, nhưng dường như huệ đồng đã nhạt màu, chim sẻ đã bị rơi, vì con người không tiếp tục công trình tình yêu của Chúa. Khi đôi tay con người không còn biết chia sẻ, khi đôi mắt con người không còn biết quan tâm, khi trái tim con người không nối dài tình thương của Chúa đó là lúc huệ ngoài đồng sẽ nhạt màu, chim sẻ tiếp tục rơi và con người vẫn còn lầm than đói khổ.
Xin tô thắm cánh huệ ngoài đồng, xin quan tâm những người  đói khổ! Lời réo gọi đó vẫn được cất lên như tiếng chuông còn ngân vang trong mỗi con người.  
VẾT MỰC
Một buổi chiều cuối tháng 5, trên con đường về nhà, tôi đồng hành cùng nhiều em học sinh đi học về. Tôi lấy làm lạ vì nhiều em trên áo chi chít những chữ ký của bạn bè. Hỏi ra mới biết hôm ấy là ngày cuối cùng của năm học nên các em muốn ký tặng cho nhau trên áo để làm kỷ niệm.
Những vệt mực này làm cho tôi nhớ lại quãng đời học trò của mình, thuở còn cầm bút chấm, mực bình đi học. Ngày nào tôi cũng bị mẹ la rầy vì tình cẩu thả của mình. Khi thì mực dính đầy tay, hôm thì dính đầy áo, có hôm nhiều quá bị ăn đòn. Nhưng không biết bằng cách nào mà mẹ tôi lại tẩy sạch bong những vết mực ấy trên áo tôi, dẫu vậy tôi vẫn bị ăn đòn mỗi khi áo bị vấy mực.
Vết mực ấy làm tôi liên tưởng đến những sai lỗi trong đời sống thường ngày. Ai đó đã nói “con người còn sống là còn biến đổi, đừng bao giờ đặt dấu chấm hết cho một người còn đang sống”. Một lần sai lỗi là một lần ta phạm phải sai lầm, nhưng khi ấy chưa phải là hết, còn có thể sửa đổi, giống như chiếc áo tôi vậy, sẽ được tẩy sạch. Nhưng không vì được tẩy sạch mà tôi ỷ lại tôi vẫn phải bị ăn đòn khi làm áo vấy mực. Cũng vậy, mỗi lần lỗi phạm là một lần xấu, cần phải được sửa dạy, nhưng không vì thế mà loại trừ hay hết phương cứu chữa.
Những vết mực năm nào của tôi đã vô tình vương trên áo, cũng giống như những lỗi phạm hằng ngày tôi đã vô tình vướng phải sẽ được sửa đổi, sẽ được tha thứ.
Nhưng xin đừng ai cố tình làm cho áo mình vướng đầy những vết mực vì khi ấy sẽ nặng lòng đối với những người yêu thương ta.
CẦN CÂU 
Để câu cá người ta dùng nhiều loại cần câu khác nhau như: cần câu thả để bắt cá lớn, thường là ở biển, cần câu quay để bắt cá vừa vừa, cần câu rê để bắt cá lóc, cần câu nhấp để bắt ếch, cần câu “thường” (chỉ cần một nhánh trúc, đầu cột một sợi dây) để bắt cá rô, cá bống, cá lòng tong…
Như vậy, mục đích của chiếc cần câu là để bắt cá. Có cá thì đã mừng rồi; có được cần câu để bắt cá thì càng mừng hơn; và càng mừng hơn nữa nếu biết thêm kỹ năng như móc mồi, chọn địa thế lý tưởng, vào thời điểm thích hợp, thì việc bắt được cá coi như khả quan hơn.
Người nghèo thì thiếu đủ thứ, nhưng chưa chắc đã thiếu tấm lòng. Và họ nhiều lần ao ước: phải chi ai đó giúp cần câu, tạo điều kiện, để họ có khả năng tự mình vượt qua khó khăn, thì tốt quá. Cần lắm thay những tấm lòng chẳng những biết thương người mà còn thương cho trót nữa!
MỘT MẢNH ĐỜI
Một hôm trên đường đi, từ xa, tôi thấy một vật gì lù lù, động đậy. Xe tôi tiến đến gần, trông rõ thì ra là một con người. Anh ta đang nằm rạp trên tấm ván, đặt trên 4 bánh xe nhỏ. Quần áo tả tơi và quằn quện, làn da cháy xạm vì mưa nắng, hai chân nhỏ xíu, co quắp cố đặt cho gọn vào tấm ván, ca nước đặt phía trước bên tay trái, môt tay cầm những tờ vé số, một tay cố đẩy “chiếc xe” cho nó lăn về phía trước. Tôi cố nhìn nhưng không thể thấy được mặt anh, vì nó gần như áp sát mặt đường.
Không biết anh đã sống trong cảnh ấy tự bao giờ, nhưng nhìn cách anh dùng tay điều khiển “chiếc xe” tôi đoan chắc rằng đã từ lâu lắm rồi.
Sự sống mãnh liệt đến thế sao? Đối với anh, cuộc sống đẹp như thế nào mà trong hoàn cảnh đó anh vẫn cố sống, không buông xuôi cho số phận? Nhìn anh, tôi chợt nhớ đến chậu hoa trước nhà. Nó ốm yếu xơ xác đến nỗi tôi không nghĩ rằng nó có thể có thêm được một chiếc lá, nhưng một ngày nọ, một nụ hoa nhú ra và ít ngày sau, một bông hoa tuy bé nhỏ, nhưng rực rỡ xuất hiện nơi sự sống còn thoi thóp của chậu hoa. Và tôi tự hỏi mình: Nếu ở trong hoàn cảnh đó, tôi sẽ sống thế nào?
SỐNG GIẢN DỊ
Có người cho cái “tôi” của mình to quá. Cái gì cũng quy về mình, lấy mình ra đối chiếu với người khác, sinh ra bực dọc với chính mình và với người, khi sự việc không vừa ý.
- Giản dị thôi: bình tâm suy xét lại cái gì đúng thì cố gắng thêm; điều gì sai thì sửa.
Có người nói nhiều quá, nói lung tung đủ thứ, lại thêm hoa lá cành, mà chẳng ai hiểu. Họ làm rối tư tưởng của mình bằng những ngôn từ.
- Giản dị thôi: nói điều cần nói cách đơn giản. Vì mục đích của lời nói là để diễn tả tâm trạng, tư tưởng của mình.
Có người không dám sống thật với lòng mình, sợ người khác đánh giá thế này, thế nọ.
- Giản dị thôi: Hãy sống tốt và yêu thương người khác. “Hữu xạ tự nhiên hương”.
Có người quá chăm chút vẻ bề ngoài, quá quan trọng về tiền bạc.
- Giản dị thôi: Cuộc đời đã lắm âu lo và phiền phúc, đừng chất thêm gánh nặng cho mình.
Cuộc sống ngắn ngủi. Cần biết sống có ích cho mình và cho người, đó là sống giản dị!
HẠNH PHÚC
Có người nắng không ưa, mưa không chịu, trời mát thì than buồn! Họ không bao giờ hài lòng về chính mình. Ăn ngon, sợ mập. Ăn kiêng, sợ ốm. Bực bội với mình. Khó chịu với người. Cuộc sống căng thẳng như dây đàn sắp đứt, làm gì có thanh thản, bình an, hạnh phúc!
Hạnh phúc tại tâm. Muốn tìm hạnh phúc, hãy tìm ngay trong chính lòng mình. Biết đủ thì đủ. “Ăn ít no dai, ăn hoài tức bụng”. Khoan khoái khi đón nhận cơn gió mát giữa chiều hè; biết ngon khi ăn miếng cà nướng thơm; vui khi thấy con chăm học; ấm áp khi thấy cả nhà xúm xít quanh mâm cơm; mừng khi thấy người khác thành đạt… Hạnh phúc hiện diện qua từng nét chấm phá trong cuộc sống, nếu chúng ta biết nâng niu và cảm nhận.
Hạnh phúc lớn nhất khi biết sống cống hiến cho người, cho đời! Bởi vì khi lòng rộng mở chính là lúc ta có được sự bình an, và đó chính là điểu kiện tiên quyết để có được hạnh phúc.
TIẾT KIỆM
Ông cha ta thường nói: “Tích cốc phòng cơ, dưỡng nhi đãi lão”. Phải dự trữ gạo thóc, phòng khi hữu sự thiếu ăn; nuôi dạy con, phòng lúc tuổi già có người chăm sóc. Nói nôm na, người khôn ngoan thì biết để dành, biết tiết kiệm, biết lo xa.
Điều trước tiên cần phải lưu tâm là tiết kiệm cuộc đời. Đừng mong “nhỏ mà không học, lớn làm đại uý”. Cố gắng dồn tâm gắng sức, miệt mài làm việc và hướng thiện khi còn trẻ, còn thời giờ, còn sức lực, để tích luỹ cho cuộc sống mai ngày. Có như thế, mới mong hái được trái ngọt cuộc đời. Kế đến, là tiết kiệm sức khoẻ. Người ta nói ví von: Ông Trời tặng cho mỗi người 100 con heo quay suốt một cuộc đời. Ai ăn hết trước, thì nghẽo trước. Ai biết để dành, ăn từ từ thì kéo dài tuổi thọ. Phung phí tuổi trẻ, thì mau tàn phai trong tuổi già.
Và còn phải tiết kiệm thời giờ và công sức bỏ ra khi làm việc. Đó là làm việc có phương pháp, có suy nghĩ, theo một mục đích đã định, để đạt hiệu quả tốt nhất, ít hao tâm tổn lực nhất, ít tốn thời gian nhất !
Ngay trong việc tiết kiệm tiền bạc, không phải ai cũng quan tâm. Người không tiết kiệm một đồng, sẽ chằng bao giờ có đồng thứ hai và cứ thế , người vay nượn, dù nắm trong tay bao nhiêu tiền, họ vẫn là người nghèo, vì đồng tiền đang có không phải là của họ. Người có nhiều tiền chính là người biết tiết kiệm, biết để dành, trước khi sử dụng đồng tiền một cách hiệu quả, có ích nhất.
Tiết kiệm là một đức tính mà mỗi người cần phải có và trẻ con cần phải được dạy bảo vậy!
LẮNG ĐỌNG
Nắng chiều ngã màu vàng buồn buồn, nghiêng nghiêng xuống hai vạt cây bên con đường cong dẫn vào xóm nhỏ miền quê. Đó là lúc tôi thích nhìn ngắm nhất, mỗi khi có dịp muốn lấy lại thăng bằng cho trí óc và tâm hồn, nhất là sau giấc ngủ trưa.
3 giờ chiều là giờ Chúa chết. Có người còn nói đó là giờ của quỷ đi lang thang! Cái mà tôi cảm nhận đó là lúc thật yên tĩnh và buồn man mác, lúc gợi nhớ những kỷ niệm, lúc dễ nhìn lại mình, lúc nạp lại năng lượng sau những ngày miệt mài với công việc…
Cuộc sống cần những phút lắng đọng để soi rọi tâm hồn. Mỗi người mỗi cách, sao cho phù hợp với mình. Trong cuộc hành trình đời người, nhất thiết phải biết dừng lại lấy sức cho thể xác và tâm hồn, trước khi tiếp tục đi tới.
CHỒNG CỦA CON
Sáng ra nghe hàng xóm râm ran, chị Trâm vợ của anh Thắng đã bỏ về nhà cha mẹ ruột của mình. Nghe nói chị mang theo tất cả quần áo, tư trang, vậy là “một đi không trở lại nữa”!
Đầu đuôi nghe ra cũng tại Bà Tám. Anh Thắng là con duy nhất của bà. Mẹ con súm sít ở với nhau, kể từ khi ông Tám chết, tuy nghèo nhưng đầm ấm. Bà rất thương và cưng chiều anh Thắng, núm ruột duy nhất của bà.
Kể từ lúc anh Thắng lập gia đình, bà Tám đâm ra đổi tính. Con dâu giặt đồ cho chồng, bà chê không sạch; ủi đồ, bà chê không thẳng; quét nhà, bà chê ẩu, quét lại; rửa chén, bà chê ghớm, rửa lại… và đủ thứ chuyện ca cẩm khác, làm cho cuộc sống của gia đình bé nhỏ rối tung lên, mà nguyên do phát xuất từ chuyện chẳng đâu ra đâu.
Cô con dâu lờ mờ nhận ra bà mẹ chồng muốn giữ đứa con trai của bà cho riêng mình, bà không muốn ai chăm sóc đứa con cưng của bà, chia sẻ tình yêu của nó dành cho bà, ngay cả người đó là vợ nó. Tức nước vỡ bờ, chị Trâm phản ứng: anh Thắng là con mẹ, nhưng là chồng của con. Con có bổn phận và có quyền lo cho anh ấy! Mẹ chồng không hiểu, không chấp nhận thực tế như vậy, thế là chị ra đi!
Yêu ai là muốn điều tốt cho người ấy, là cùng nhìn một hướng với người ấy. Cha mẹ yêu con bằng cách từng bước giúp con trưởng thành và tìm được hạnh phúc cho chính nó, qua đó, cha mẹ được hạnh phúc.
MÔI HỞ RĂNG LẠNH
Ở đời, có những người, những gia đình không thể sống chung với người khác. Ông cha ta nói: bà con xa không qua láng giềng gần hay tối lửa tắt đèn có nhau. Vậy mà có những người tự làm khó mình, tự cô lập chính mình, khi không thể nào sống hoà hợp với hai nhà hai bên.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tựu trung có lẽ họ sống quá ích kỷ, chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình, gia đình mình và không bao giờ thuộc những từ như thông cảm, tha thứ, chia sẻ, quảng đại… Điều đó dẫn đến hệ luỵ hoặc họ quá tự tôn cho rằng không ai xứng đáng với mình; hoặc họ quá tự ti cho rằng ai cũng muốn hơn mình, coi thường mình. Thế là, thà chẳng cần biết đến ai thì hơn hoặc tìm đủ cách làm khó dễ cuộc sống chung bằng thái độ lạnh nhạt hoặc bất cần đời và đôi khi đi đến chỗ thù nghịch.
Cha mẹ sao con cái vậy, không sống được với ai, luôn làm khổ cho mình và cho người. Gần họ ai cũng có cảm giác bất an, cho nên mọi người tìm cách xa lánh.
“Anh em như thể tay chân” do đó, hễ “môi hở thì răng lạnh”.Không yêu thương đùm bọc, bảo vệ, nương tựa lẫn nhau thì chẳng những không giúp nhau phát triển, gầy dựng cộng đoàn thân ái, bình an, lại biến mỗi người thành một hòn đảo cô lập, sống chết mặc anh!
Thương người thì người thương mình. Giúp người thì người giúp mình. Vui với người thì người vui với mình vậy!
ĐÔI BÀN CHÂN
Trời cho mỗi người có đôi bàn chân để đứng, để đi, để chạy, để chống đỡ và linh hoạt cả thân mình. Khiếm khuyết đôi chân, tuy không phải là mất tất cả, nhưng là một thiệt thòi lớn cho con người.
Ấy vậy mà có người tuy còn đủ cả hai chân, nhưng không tự mình đứng được, lại cứ hay dựa dẫm vào người khác để sống. Học hành chẳng ra ôn gì, nhưng cứ dựa vào danh tiếng của cha mẹ, văn hay chữ giỏi. Sống thì chẳng làm nên tích sự gì, nhưng mở miệng ra là nói về thành tích, sự nghiệp của cha mẹ mình.
Những kẻ ấy như cô hồn, các đẳng, chỉ luôn nấp bóng người khác. Họ không bao giờ thực sự đứng trên đôi chân của mình.
CÁI QUẠT MO
Bà ngày một lớn tuổi, bệnh dai dẳng. Bệnh của của người già, mỗi thứ một chút, không có gì rõ nét. Mùa nóng, bà bức rứt, cần chút gió thoang thoảng cho dễ dỗ giấc ngủ, nhưng không chịu nổi quạt máy. Ba cằn nhằn: ba mẹ phải đi làm cả ngày, đêm cần ngủ cho lại sức để sáng mai đi làm tiếp, không có sức hầu hạ bà. Sắp nhỏ thì còn phải lo học bài, đâu có giờ quạt hầu nội, rõ khổ!
Còn nhớ khi còn bé, đêm nào nội cũng quạt cho tôi ngủ. Cái quạt mo hết phe phẩy phía bà, rồi lại quay qua phía cháu. Vừa quạt vừa kể chuyện cho cháu nghe. Và tôi đi vào giấc ngủ tự lúc nào không hay. Trong sự ân cần chăm sóc của nội, qua từng giấc ngủ, tôi đã lớn lên.
Cái quạt mo coi vậy mà hay, vừa đem lại chút gió thoang thoảng giúp đễ ngủ, vừa là cầu nối trao đổi tâm tình, cũng đồng thời là cách biểu hiện lòng yêu thương của nội.
Bây giờ nội già yếu bệnh hoạn, bức rứt khó ngủ, không ai hầu quạt, nghĩ mà thương nội!
CÀ PHÊ SÁNG
Nhâm nhi ly cà phê mỗi sáng, mắt lướt qua những tờ báo theo dõi tin tức mới nhất trong ngày là một cái thú tao nhã. Tuy nhiên cuộc sống không chỉ có cà phê và đọc báo buổi sáng mà còn biết bao việc lớn nhỏ phải thực hiện.
Nhìn vào các quán cà phê mỗi sáng, bạn sẽ thấy rất nhiều thanh thiếu niên “ngồi đồng” hết giờ này sang giờ khác, có khi hết cả buổi sáng chỉ để tán gẫu qua giờ hoặc chỉ để “nhìn trời hiu quạnh”! Thời gian đối với họ như ngừng trôi và cuộc sống xem ra không có gì đáng để quan tâm!
Mỗi người đều có 24 giờ trong một ngày và đêm, trong khi có người làm được biết bao nhiêu điều hữu ích cho mình, cho người, còn kẻ khác lại không. Thời giờ đối với họ là thời gian chết, không sinh ích lợi cho ai cả. Thất bại hay thành công, dù dưới góc độ nào, đều dành cho người biết quý trọng thời gian sống của mình, để thực hiện mục đích tốt đẹp của đời người.
TRƯỜNG HỌC - TRƯỜNG ĐỜI
Những năm tháng vô tư, hồn nhiên, “đặng không mừng, mất không lo” của tuổi học trò qua đi, cho đến khi nhận được những đồng lương đầu tiên do chính mình làm ra, tôi chợt thấy thấm thía câu ca dao:
“Ví dầu cầu ván đóng đinh.
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi.
Khó đi mẹ dắt con đi.
Con đi trường học, mẹ đi trường đời”.
Quả thật mẹ là người đã chịu thương, chịu khó, phơi sương, dãi nắng cả quảng đời của mình để cho tôi có được như ngày hôm nay. Mẹ đã một mình bươn chãi “trường đời” để dẫn tôi qua “cầu tre lắt lẻo” những năm tháng đầu đời nơi trường học, cho tới lúc trưởng thành, để có thể tự lo cho cuộc sống của mình.
Bài học trường đời của mẹ, nay trở thành của chính tôi khi quyết tâm lo cho con cái ăn học, để nên người!
TÁC PHONG CÔNG NGHIỆP
Chậm khác với lề mề. Một người đi chậm, nói chậm, viết chậm, suy nghĩ chậm… chưa phải là lề mề. Người ta chẳng thường nói “chậm mà chắc” đó sao!
Cái đáng nói là có những người quá lề mề trong cung cách làm việc của mình: hứa nhưng không tới, hẹn thì luôn luôn trễ giờ, làm việc theo kiểu“giờ dây thun”, muộn tí không sao… hoặc làm một việc rất bình thường như rửa chén, quét nhà… thì kéo dài cả buổi vô tội vạ, “đặng không mừng, mất không lo”!
Ở các nước công nghiệp phát triển “thời giờ là tiền bạc”, do đó mọi người phải tuân thủ đúng giờ giấc quy định và đây chính là điều kiện tiên quyết giúp mỗi người và doanh nghiệp thành công. Làm việc với cung cách gọn gàng, dứt khoát, có kỷ luật, thực hiện đúng mục đích đề ra, với tinh thần trách nhiệm cao, đó chính là tác phong công nghiệp.
Cần thay đổi từ nhận thức của mỗi người. Chính từ ý chí cầu tiến, ham học hỏi, ham làm việc và làm việc có phương pháp, có mục đích, mới mong thay đổi được thói lề mề trong cách sống của nhiều người.
GIÁP NƯỚC
Tôi dời đến một nơi, ở đó dân chúng đa số rất nghèo. Lý do nào lại nghèo? Rất nhiều người trả lời: do ở vùng giáp nước, nên không thể làm ăn được.
Một hôm tôi đến Cái Mơn, một vùng đất trù phú của tỉnh Bến Tre. Tôi hỏi thăm cách làm giàu thì được biết ở đây được thiên nhiên ưu đãi bởi nó nằm ở vùng giáp nước của hai nhánh sông Tiền, quanh năm phù sa bồi đắp, người dân chỉ cần xuống sông, móc đất lên, ươm cây giống rồi bán mà không cần phải mua đất, mua phân.
Cũng là vùng giáp nước, nhưng người thì cho là không phải thế làm ăn, người thì cho là một ưu đãi của thiên nhiên, dẫn đến hậu quả kẻ làm giàu, người cam chịu nghèo.
Xem ra mới thấy, giàu nghèo đâu phải hoàn toàn do hoàn cảnh! Có những người trở nên giàu có xuất thân từ móc bọc, mua gánh, bán bưng. Lại có những kẻ ăn mày mà xưa kia từng là những tay cự phú.
Xuất thân của mỗi người quả thật do ý trời, nhưng tương lai của chúng ta thế nào là tuỳ thuộc vào tư tưởng và hành động của chúng ta.
HẮT HƠI...
Ắt xì, Ắt xì…
Trời độ này nắng mưa thất thường quá, làm cơ thể thay đổi không kịp cứ phản ứng liên tục. Hắt hơi là phản ứng của cơ thể gặp phải sự thay đổi của thời tiết. Mỗi lần hắt hơi thì ít gì cũng 3, 4 cái, nước mũi cứ chảy ra liên tục… Chán quá!
Nhớ ngày nào thấy trời đổ mưa là mừng lắm vì sắp được chạy nhảy dưới mưa, được chung bạn bè thoả sức vui đùa dưới mưa. Cứ xem sức khoẻ là một thứ tài sản vĩnh cữu, còn lâu tôi mới mất nó.
Mà ngày ấy nào có xa xôi gì, chỉ mới một thoáng đây thôi mà giờ nhìn trời đổ mưa là ngán ngẫm, vì cơ thể nay đã như không già cỗi không còn nhanh nhạy để biến đổi theo kịp thời tiết. Nhiều người nói “đấy, đấy cái máy dự báo thời tiết ấy đã báo rồi đó” thật là cái gì cũng có cái thời của nó.
Thế đấy, mới thấy được rằng mọi sự trên trần gian đều có giới hạn của nó. Lúc nhỏ tôi có bao giờ nghĩ rằng sự thay đổi của thời tiết ảnh hưởng đến mình như thế nào đâu, nay thì chỉ một sự thay đổi nhỏ thì cơ thể tôi đã phản ứng lại. Và mọi sự trên trần gian này không có gì là vĩnh cữu, rất hữu hạn chỉ có Thiên Chúa là Hằng Hữu, Người không đổi thay, ngàn xưa vẫn thế và muôn đời vẫn thế.
Bám víu vào cái hữu hạn có ngày sẽ qua, bám víu vào Đấng Hằng Hữu thì sẽ là muôn đời. Điều này có đúng không?
BỤI TRE
Không biết có từ lúc nào, nhưng kể từ khi lớn lên, tôi thấy quanh nhà trồng rất nhiều tre, trúc, đủ loại: tre Xiêm, tre Tàu, tre Mạnh Tông, tre mỡ, trúc xanh, trúc vàng… Mỗi khóm tre, trúc, án giữ một góc vườn, như bày binh, bố trận, trông rất u nhàn, thanh tịnh.
Cho đến một ngày tôi mới nhận ra ý nghĩa của việc này, khi ông nội tôi, từ đâu khệ nệ ôm về một bụi tre kiểng nhỏ, màu vàng và ông chọn chổ đẹp nhất phía trước nhà, bên cạnh lối vào để trồng. Thấy tôi mon men đến gần, chăm chú nhìn, ông nói:
Người xưa có câu: “Trúc dẫu cháy, đốt ngay vẫn thẳng”. Tre là thẳng thắn, bất khuất! Tre tượng trưng cho người quân tử, ngoan cường, nhưng độ lượng. Tre cứng mà mềm mại, đổ mà không gãy, lòng rỗng không, biểu trưng cho tinh thần và khí độ an nhiên tự tại, không mê đắm quyền lợi, vật chất. Chính vì vậy mà ông thích trồng tre trong vườn nhà mình.
Bụi tre nhỏ, nhưng bài học lớn: khí phách làm người.
CHỊ TÔI
Cũng chẳng phải quá bận rộn đến nỗi không có giờ về thăm quê, nhưng cứ làm sao ấy mà mỗi lần định về quê dịp Giỗ, Tết, cưới xin theo lời thúc giục của chị tôi, người chị mà lâu lắm rồi chưa có dịp gặp mặt, tôi cứ lại lỗi hẹn.
Lần này nhất định về, bận mấy cũng về. 30 Tết về thắp hương ông bà, cha mẹ, thăm lại mái nhà xưa nhiều kỷ niệm một thưở ấu thơ… Và rồi chị từ trong bếp chạy ra đón tôi, mừng mừng tủi tủi. Cảm giác đầu tiên ập vào mắt tôi là chị đã già và mang dáng vẻ cô độc, cam chịu…
Kỷ niệm ùa về trong trí tôi. Mấy mươi năm về trước, mỗi khi tan học, tôi thường chạy nhanh về nhà trước chị và bao nhiêu thức ăn má dành cho hai chị em, cái nào ngon, tôi ăn hết, chị về sau còn gì ăn nấy và chẳng nghe chị cằn nhằn bao giờ! Có chăng là bị má rầy: sao không chừa cho chị hai!
Tôi thanh thản lớn lên, rời làng quê, đến thành phố học, có việc làm ổn định, có gia đình ấm cúng… Còn chị thì ở lại quê, phụ cha mẹ lo ruộng vườn, lo cho tôi ăn học, kế tục chăm sóc ngôi nhà cũ và mảnh vườn, sống bình lặng như thời gian, không lập gia đình, không còn cái… và cũng không thấy chị than thở gì! Nhưng nay, đâu đó nơi mắt chị, tôi thấy phảng phất nỗi buồn.
Nhìn chị “đội hai mái tóc mà xe ý đời” tôi xót xa trong lòng. Chị thân thương của tôi.
GIÀY DÉP CÓ SỐ
Bạn bè lâu ngày gặp nhau, rượu vào lời ra:
·        Dạo này sao rồi?
·        Cũng vậy vậy thôi!
·        Vậy là sao?
·        Tàng tàng qua ngày!
·        Vậy con cái lấy gì sống?
·        Ông này quá lo, người ta nói: giày dép còn có số, số mạng nó vậy rồi, lo mấy cũng vậy?
·        Ý ông nói: số một quan là một quan, số một tiền là một tiền chứ gì?
·        Còn gì nữa, thử nhiều nghề lắm rồi, chằng khá gì hơn, thôi thì cứ vậy, già rồi!!!
Giày dép có số vì người ta gắn cho nó, để vừa chân người chọn. Một đồng tiền để phân biệt với một quan: mười đồng mới được một quan. Phải gắng làm mới có ăn và còn dư để dành. “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Có làm Trời mới giúp. Có cố gắng kiên trì hết sức, mới đạt kết quả. Có mơ ước những việc lớn lao và tận lực làm việc có phương pháp, có mục đích, ít ra cũng đạt được những thành quả tương đối. Lững lờ như nước trôi qua cầu, nước lớn chảy ra, nước ròng chảy vào, ngày nào cũng như ngày nấy, trăm sự đổ cho số mạng, thì thật đáng tiếc cho một kiếp người.
Trần Thị Bé (Sưu tầm)