Kiều Thị Hiếu từ Đức Quốc 2012
Nếu tôi nhớ không lầm thì việc tổ chức và sửa soạn cho ngày hội ngộ này đã bắt đầu từ đầu năm 2012. Mặc dù ở xa, nơi đèo heo Đức quốc, tôi đã nhận ra là chị Bé, chị Thu, anh Hồng, Tuyết...đã tự nguyện và hăng hái lo kiếm địa điểm, gởi thư mời vừa qua email vừa qua điện thoại, lại còn 'rao mừng' cho ngày gặp gỡ này qua blog, liên lạc với những hội chsHoàngdiệu trên toàn thế giới. Tự tôi cũng cảm thấy rằng đây là một ngày rất quan trọng. Mặc dù còn bỡ ngỡ, vì phần đông tôi chỉ biết tên nhưng không biết người, nên tôi đã lo đặt vé xe, khách sạn sớm cho chắc ăn.
Sau khi biết được địa điểm, tôi lại lo kiếm cách di chuyển thuận tiện qua google view để đến nơi an toàn và đúng giờ.
Giống như hồi còn con nít nôn nao mau tới Tết, tôi đã không ngủ được vài ngày trước đó rồi lại lo sợ mình sẽ ngủ gục trong buổi họp. Qua blog đã có nhiều lời chúc mừng của Thầy, Cô và các chs Hoàng Diệu khắp nơi, tôi lại càng thấy lòng mình nôn nao và phấn khởi hơn.
Thế rồi, ngày 4/8/12 đã tới... Đến nơi, tôi rất cảm động trước sự nồng nhiệt của chị Thu, của Chi Lan- Guillaume (con gái và rễ của chị Thu) đã sẵn sàng để tổ chức tại nhà riêng, đặc biệt món ăn khai vị 'foi g ra s' của người Âu châu do hai con của chị Thu chuẩn bị, ngoài ra còn có nhũng thức ăn thuần túy của quê hương như gỏi, bì, cà ry, bún, rau thơm, trái ngọt v.v... Rồi, đây là anh Hồng, đằng kia chị Bé, Tuyết, Remy...tất cả đều 'lăng xăng' không thiếu thứ gì. Còn Tuyết, mặc dù ở xa tới cũng như tôi mà còn 'khệ nệ' mang theo cả một nồi cà ry to và vài món khác nữa. Ngoài ra, còn có đủ quà cáp cũng như bảng tên cho mọi người. Sinh, ông xã của Tuyết, được ban chức 'cameraman'. Huấn thì hì hục mang cái va li đầy đặc san Hoàng Diệu Nam Cali với tấm bảng 'chào mừng ngày hội ngộ'. Chị Bé, anh Hồng sẵn sàng đứng ra làm trụ cột để cho mọi việc được trôi chảy. Cho dù tôi không kể hết tên từng người, nhưng tôi nhận thấy tinh thần đồng hương rất cao và tình chshoàngdiệu rất đậm đà, mọi người đối xử với nhau rất hòa đồng, vui cười toe toét, không có sự tranh đua, không nệ hà, không ai giỏi ai dở cả, không so đo cấp bực hay tuổi tác. Tôi rất thoải mái và cảm tưởng tôi đã được mọi người đón nhận. Trước chân tình này tôi sẽ nhớ mãi không quên. Vì thế, tôi sẵn sàng nhận lời mời và sẵn sàng nắm lấy bàn tay của các bạn, để hội chshoàngdiệu và Đồnghương Âuchâu đươc sinh tồn.
Tiệc nào mà chẳng tàn, ngày vui lại qua nhanh quá! Tôi ra về với nỗi vui khôn tả, tình chs, tình đồng hương như vang dậy ngút ngàn... Bắt đầu từ bây giờ tôi đã nôn nao cho ngày hội ngộ năm 2013, với hy vọng được chào mừng thêm các chshoàngdiêu và nhiều bạn đồng hương nữa.
Kiều Thị Hiếu từ Đức Quốc 2012
Hình ảnh
Paris - 4 Août 2012
Nguyễn Thành Khánh HD 66-73
Mấy hôm nay tôi không muốn viết gì cả, không có hứng thú ?? có chuyện không vui? Cả hai lý do đều hợp lý cả cho tôi. Nhiều bạn bè nhắc nhở khi lâu quá không thấy tôi viết lách gì cả. Mà thật sự thì có viết lách gì đâu ? tôi chỉ bày tỏ vài cảm xúc của mình với bè bạn mà thôi, vậy mà đôi khi còn bị trách móc nữa chứ ??.. dịp HD Nam Cali làm Đặc San, các bạn cũng nhắc tôi gởi bài, lúc ấy tôi đang buồn, nên tôi chọn cách sưu tầm hình ảnh về ST và trường Hoàng Diệu thay cho bài viết. Tôi nghĩ thật đơn giản, mình đóng góp cho Sân chơi Hoàng Diệu theo khả năng và trình độ của mình, ít hay nhiều cũng là một chút lòng thành với trường xưa với Thầy Cô, bè bạn…
Rồi tôi lại say sưa, góp một chút sức cho Blog Châu Âu làm kỷ yếu Hoàng Diệu, chỉ với một mong muốn duy nhất, thông qua kỷ yếu nầy nhiều CHSHD sẽ tìm và đến với nhau, hầu sưởi ấm cho nhau trong tình Đồng Môn Hoàng Diệu. Qua việc làm nầy, tôi được khen, chê đủ cả, được động viên nhiều. Nhưng tôi, không tránh khỏi sai sót, và lại bị trách móc, thậm chí còn tỏ thái độ hằn học, gây khó khăn nữa chứ. Và tôi lại buồn, tự vấn lại mình ?? chúng tôi chỉ muốn để lại cho đàn em Hoàng Diệu một ít tư liệu mà thôi, chúng tôi có được lợi lộc gì đâu?? tôi định sẽ không viết nữa …tôi định dồn nén, cái tâm huyết của mình lại và biến mất trong diễn đàn .
Nhưng …không được các bạn ơi, mấy hôm nay đọc tin trên Blog Châu Âu, hay tin Thầy Cô và các bạn CHSHD Châu Âu họp mặt lần đầu tiên hôm 04/08/2012, và tôi lại nhìn thấy hình ảnh của bạn tôi Hồng, Hiếu, Hưng….vv.vv
Được biết các bạn đã chuẩn bị, thu xếp gần một năm nay, để chỉ được vui bên nhau vài giờ. Hiếu bên Đức sang, Tuyết từ Bỉ tới …Các bạn Châu Âu thì quá ít, vả lại là lần đầu tiên tổ chức, nên không đông. (có lẽ nhiều bạn chưa biết tin). Nhưng lại thắm tình Thầy trò bè bạn Hoàng Diệu chúng ta.
Hiếu thì không khác xưa nhiều, sau một thời gian đến với Gia Đình Hoàng Diệu. Hiếu mạnh dạn hơn nhiều, và viết nhiều bài rất hay khi gặp hoặc tìm được bạn cũ.
Nhớ lúc tôi nhờ diễn đàn HD mà có tin của Hiếu, thật không bút mực nào mà hết cái vui mừng lúc đó của tôi. Nhìn Hồng thì lại nhớ một người bạn . Hưng thì không thay đổi nhiều lắm. Vậy mà có lần xem kỷ yếu Hoàng Diệu tôi thấy hình Hưng sao lạ quá, không một chút gì để mình hình dung được. Hỏi lại quá ra cô nàng phụ trách blog vì nhận quá nhiều hình ảnh từ nhiều nơi nên quáng quá, và “lấy râu ông nầy, cắm cằm bà kia”.
Nghĩ lại cũng vui, vì hỏi kỹ ra Hưng lại là Cậu của cô nầy. Cô nầy còn mail hỏi tôi “ hình nầy phải Cậu Hưng em không?”
May lắm đó, nếu Hưng bây giờ làm “ Ông lớn” thì Cô Cháu nầy chết chắc, không biết chừng bị đòi thưa ra hầu tòa, chứ chẳng chơi đâu??? Nhắc đến đây mình lại thấy cái nhiệt huyết ( cái liều) Cô nầy thuộc khóa đàn em 83-86 nhưng dám làm chuyện (Bao Đồng) mà đáng lẽ những bạn lớn hơn nên làm. Chúng ta không thể phủ nhận cái công khó nầy, vì xét cho cùng, đây là vì cái tình đối với trường Hoàng Diệu mà thôi.
Thú thật đôi khi tôi nghĩ, Cô nầy là đàn em mình mà bây giờ, được nhiều người biết đến, còn mình là đàn anh mà sao ít người biết quá ?? tôi định bụng sẽ tìm cách gây khó, làm cho Cô nầy quê chơi .. nhưng suy nghĩ lại thấy làm như vậy là không quân tử, không đáng mặt làm đàn anh. Thế là tôi bỏ cái ý định hơi thấp kém đó đi. Tôi suy nghĩ kỹ rồi, tôi cố gắng làm nhiều chuyện hay hơn, cho trường xưa, cho bạn cũ, xứng đáng với tên gọi là CHSHDST. Và tôi sẽ được Thầy cô bè bạn thương mến hơn trong tấm chân tình của Gia Đình Hoàng Diệu.
Trở lại chuyện làm kỷ yếu CHSHD của Blog Châu Âu, từ chuyện tìm kiếm hình ảnh, thông tin, họ tên, niên khóa, rồi kiểm tra lại kỹ càng xem cô làm có chính xác không vì đến mấy trăm người. Xin hình chỗ nầy, hỏi thông tin chỗ khác, khi thì được sự nhiệt tình, lúc thì nhận được những câu trả lời thật vô tâm vv…vv và nếu không có tấm lòng với Hoàng Diệu thì chắc hẳn các bạn Châu Âu không làm nỗi đâu.
Cái khó ló cái khôn các bạn ạ, gần 700 CHS HD + ĐH trong Kỷ Yếu thì làm sao mà không sai sót? Làm sao mà xin phép, xin tắc, cho đầy đủ, thế là cuối phần của Kỷ yếu, Cô Nàng lại có ghi thêm phần “ Thầy Cô, CHS nào không đồng ý cho đăng hình trong Kỷ Yếu Hoàng Diệu thì vui lòng cho biết “ để Cô đem ra. Không biết có trường hợp nào chưa, mà dù có thì mình đem ra chứ có “ chết thằng tây nào đâu” mà sợ. Nghĩ cũng lạ CHSHD thì người ta ghi là CHSHD thì hà cớ gì mà không chịu.
Lại nhắc chuyện Họp Mặt HD từ bên Mỹ, bên Pháp, bên Úc, lo chuẩn bị mọi thứ, chỉ mong có nhiều Thầy Cô bè bạn từ mọi nơi về cho đông đủ. Lại còn mail qua mail lại, nhờ chỗ nầy, chỗ kia tìm kiếm dùm, chỉ mong tìm được bạn cũ.
Bấy nhiêu tấm lòng ấy làm cho tôi quên đi cái buồn, tôi từ bỏ ý định vắng bóng trên diễn đàn Hoàng Diệu. Bây giờ tôi lại viết cho Thầy Cô tôi, bạn bè tôi đọc.
Chuyện nầy cũng dễ thôi, bạn nào thích tìm một chút kỷ niệm tuổi thơ thì đến diễn đàn mà đọc, mà xem. Hãy đến với nhau dù có khó khăn ., có bạn nào vì lý do nào đó mà không muốn đến CHSDST thì thôi vậy? Hãy để những người khác đến với nhau, vì chúng tôi đến với nhau để mà sưởi ấm cho nhau mà thôi. Chẳng được chút hư danh, chút lợi ích nào cả .
Nguyễn Thành Khánh HD 66-73
NƠI CHÔN NHAU CẮT RÚN
Là một nhân viên thuộc vụ/sở thanh niên và gia đình, về bộ phận xã hội, thì nhiệm vụ của tôi trước tiên là “ Bảo vệ thiếu nhi và vị thành niên về sức khỏe, tinh thần, tâm thần và tình cảm“. Sự kiện nầy là dựa theo luật của Liên Hiệp Quốc là “tất cả thiếu nhi cũng như vị thành niên được quyền sống trong hoàn cảnh, một môi trường không có bạo lực, không bị hành hạ hoặc đánh đập, được quyền đi học ….“. Mặc dù còn nhiều nữa nhưng tôi chỉ muốn đề cập đến nhiệm vụ chính của tôi mà thôi.
Nhiệm vụ của tôi bao gồm:
· Cố vấn cha mẹ, thiếu nhi, vị thành niên
· Giúp đỡ, hướng dẫn
· Nếu cần thiết sẽ tạo điều kiện để họ được có phương tiện giúp đỡ
Những cha mẹ, hoặc những cha hoặc mẹ độc thân hoặc trẻ em cũng như vị thành niên đều có thể tìm đến tôi, nếu
· Họ có điều lo lắng trong sự phát triển của con cái hoặc/và trong sự dạy dỗ và giáo dục con cái
· Họ ở trong hoàn cảnh không lối thoát
· Trong gia đình có bạo lực, hành hung
· Trong gia đình có khủng hoảng, thí dụ cha mẹ bị bệnh nan y hoặc bệnh nặng bất thình lình, vợ chồng/cha mẹ muốn ly thân, ly dị.
Nếu như người ta cần mình cố vấn thì dễ, còn như mình phải đến một gia đình nào, mà cha mẹ hành hung con cái hoặc đánh nhau, thì đôi lúc phải cần cảnh sát hộ tống, có khi cảnh sát phải mặc áo giáp và mang súng nữa, còn mình làm việc xã hội thì làm gì mà có những thứ này. Lúc đầu cũng run lắm, nhưng vài lần rồi cũng quen đi.
Những điều trên đây đối với người ngoại cuộc thì rất khó mà hình dung được, là tôi làm cái gì, nhất là các quí vị ở Việt Nam, vì ở Việt Nam chắc chưa có sở nầy. Nhưng cái đó không phải là điều tôi muốn đề cập sau đây.
Với nhiệm vụ nầy thì tôi dù muốn dù không cũng phải “gặp gỡ” một vài gia đình người Việt Nam. Đây là điều mà tôi rất phân vân, lúng túng. Đối với người Đức đã khó rồi mà đối với người mình thì khó gấp mấy lần. Vì tôi không biết mình phải sử dụng luật gì đây, luật Việt Nam hay luật Đức?
Vì thế khi đến với một gia đình người Việt thì tôi đều hỏi trước là tôi phải dựa theo luật nào, phong tục nào để tư vấn đây? Cho đến bây giờ tất cả đều đề nghị dựa theo luật Đức. Làm tôi nhẹ nhõm, vì tôi đâu có biết luật Việt Nam ra sao đâu. Nên đến nay tôi chưa cần phải sử dụng đến cái câu “nhập gia tùy tục”.
Phần đông những gia đình Việt Nam mà tôi đảm nhiệm thì vẫn còn thực hiện cái câu “thương con cho roi cho vọt” theo nghĩa trắng và dạy dỗ con cái rất nghiêm khắc theo tục lệ Việt Nam, đòi hỏi ở con cái phải nghe lời tuyệt đối.
Thêm vào đó là vấn đề tiếng nói. Cha mẹ thì không thạo tiếng Đức, con cái đôi lúc phải làm thông dịch cho cha mẹ. Trong việc thông dịch còn xảy ra thêm là cha mẹ không hẳn tin là con mình thông dịch thành thật, còn mấy đứa con lợi dụng cha mẹ không hiểu hết mà bỏ bớt những điều bất lợi cho chúng. Cứ thế mà tình trạng gia đình trầm trọng hơn, cuối cùng thì gia đình phải ly tán.
Người Việt Nam phần đông sanh ra và lớn lên ở Việt Nam, nên nhớ thương nơi chôn nhau cắt rún khôn cùng, nặng lòng với quê hương. Còn mấy đứa trẻ sanh ra trên đất nước, nơi mà cha mẹ chúng nhận làm quê hương thứ hai. Chúng nó đi học, hấp thụ sự giáo dục và nền văn hóa nơi chôn nhau cắt rúncủa chúng. Vì thế sự xung đột giữa hai thế hệ và hai nền văn hóa hoàn toàn khác nhau là hiển nhiên rồi.
Cũng có những gia đình còn mang gánh nặng cha mẹ, ông bà còn ở Việt Nam như phải giúp đỡ tiền bạc. Gia đình hiện tại phải sống chắc chiu hoặc cha mẹ phải làm nhiều công việc cùng một lúc, để có thể trả hiếu cho cha mẹ ở quê nhà. Trong lúc đó thì con cái không hiểu được tại sao cha mẹ chúng phải làm như vậy. Vì thế sự xa cách giữa cha mẹ và con cái càng ngày càng lớn hơn, cho nên khó mà hàn gắn được.
Tôi cố gắng giải thích và hướng dẫn, nhưng không biết phải đặt nơi chôn nhau cắt rún nào làm ưu tiên.Tôi vừa thấy thương cha mẹ vừa thấy thương mấy các em. Vì tôi nhận thấy rằng, tình thương giữa cha mẹ và các con của họ đều có, nhưng chỉ khác hẳn với sự chờ đợi của cá nhân. Cho nên nhiệm vụ của tôi là làm sao cho cả hai bên cũng nhận thấy điều này, mà có thể giảng hòa và cuối cùng sống hòa thuận với nhau.
Đôi lúc tôi cảm thấy mình bất lực trước những trường hợp nan giải, không lối thoát, tôi muốn đầu hàng, nhưng giống như người nghiện nặng, phải cần những trường hợp khó khăn giống như cần thứ thuốc nặng hơn để giải cơn nghiện. Chỉ hơn hai năm nữa là về hưu rồi, tôi chỉ sợ mình không qua khỏi những cơn nghiện sau đó.
Tôi rất khâm phục tất cả thế hệ trẻ Việt Nam ở hải ngoại, vì cuộc sống hàng ngày phải đối đầu với hai nền văn hóa hoàn toàn khác nhau, thì các em phải mạnh về tinh thần và tình cảm mới có thể đạt được sự đòi hỏi của gia đình và xã hội hiện tại được.
Ngoài ra tôi có nhận thấy rằng, cái điều lợi lớn của người Việt Nam ở hải ngoại là có thể chọn điều hay lẽ phải của cả hai văn hóa và nhập lại mà giáo dục con cái thì con đường dẫn tới thành công rất dễ dàng.
Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa thấy một đứa trẻ nào quên nguồn gốc cả, mặc dù nơi chôn nhau cắt rún của nó không phải là Việt Nam. Theo ý tôi các em chỉ đạt được điều này là nhờ tình thương khôn cùng của cha mẹ. Đây cũng là sự tỏ lòng hiếu thảo đối với cha mẹ đó thôi.
Kiều Thị Hiếu (Hoàng Diệu 66 – 73)
Hoàng Diệu miền Bắc California
Thưa Thầy Cô và anh chị em,
Hoài bão tổ chức một buổi họp mặt đầu tiên của gia đình Hoàng Diệu tại Paris sắp trở thành hiện thực với biết bao công sức của ban tổ chức. Chúng tôi, gia đình HD tại miền Bắc California rất ư khâm phục sự bền bĩ, sắp xếp chu đáo, nhất là lòng tha thiết có một lần họp mặt để đời của ban tổ chức.
Chúng tôi với thiện tâm chúc các anh chị có được một ngày hạnh ngộ thật là đấm ấm, vui tươi và nhất định buổi họp mặt lần đầu sẽ khích lệ cho những lần gặp gỡ thường xuyên sau này.
Thay mặt Hoàng Diệu miền Bắc California,
Thu Hương, Hùng Kiệt, Lệ Toàn, Bạch Tuyết và Kim Phụng.
Hoài bão tổ chức một buổi họp mặt đầu tiên của gia đình Hoàng Diệu tại Paris sắp trở thành hiện thực với biết bao công sức của ban tổ chức. Chúng tôi, gia đình HD tại miền Bắc California rất ư khâm phục sự bền bĩ, sắp xếp chu đáo, nhất là lòng tha thiết có một lần họp mặt để đời của ban tổ chức.
Chúng tôi với thiện tâm chúc các anh chị có được một ngày hạnh ngộ thật là đấm ấm, vui tươi và nhất định buổi họp mặt lần đầu sẽ khích lệ cho những lần gặp gỡ thường xuyên sau này.
Thay mặt Hoàng Diệu miền Bắc California,
Thu Hương, Hùng Kiệt, Lệ Toàn, Bạch Tuyết và Kim Phụng.