Thursday, May 10, 2012

KHI NGƯỜI LAO CÔNG QUÉT DỌN THUYẾT TRÌNH



Nguyễn Duy-An

Ngày ấy... năm 1994, TRW (Thompson Ramo Wooldridge, Inc.) với  8 hãng lớn khác trúng thầu của Bộ Năng Lượng (Department of Energy) về việc nghiên cứu để  thiết lập một “kho phế thải chứa đựng chất phóng xạ” (Radio Active Waste Management) trong lòng núi Yucca Mountain cách thành phố Las Vegas, tiểu bang Nevada, khoảng 100 dặm về hướng Tây Bắc. Lúc bấy giờ tôi là  trưởng toán kỹ thuật của TRW chịu trách nhiệm nối kết các hệ thống máy móc từ hiện trường (Yucca Mountain) về văn phòng Bộ Năng Lượng ở Hoa Thịnh Đốn về  trụ sở của 9 hãng xưởng rải rác trên khắp nước Mỹ nên “bị” chỉ định thuyết trình phần “Systems Integration” trong cuộc họp “kick off”. Hiện diện trong cuộc họp này, ngoài ban quản trị và  một số nhân viên kỳ cựu của các hãng trúng thầu, còn có đại diện chính chức của Bộ Năng Lượng, cùng những người rất quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi sinh vì lo sợ ảnh hưởng của chất phóng xạ trên vùng đất của họ như: Thống Đốc, Nghị sĩ và Dân Biểu của tiểu bang Nevada.

Sau khi nhận được tin, tôi đã lên gặp ông giám đốc lo về kỹ thuật của TRW để năn nỉ xin ông đổi người khác, hoặc chính ông ta thuyết trình vì tôi run lắm. Ông ta chẳng những không chấp thuận mà  còn nhắc tôi rằng đây là  “vinh dự” của hãng TRW nên phải cố gắng hết sức mình làm cho tốt trước mặt “bá quan văn võ” của chính phủ cũng như ban quản trị của các hãng khác. Tôi tìm gặp một vài người Việt Nam đã làm cho TRW lâu năm xin ý kiến, ai ai cũng sợ cho tôi, vì tiên đoán tôi sẽ bị những chuyên viên của nhiều hãng khác bắt bẻ về kỹ thuật, và  nhất là  bị kỳ thị vì giọng nói tiếng Anh không chuẩn. Tôi làm liều gọi cho “xếp lớn” của TRW xin ông can thiệp để thay đổi nhưng chính ông ta lại bảo tôi rằng đây là  “ván bài định mệnh” và hãy dẹp hết những công việc khác, lo chuẩn bị kỹ lưỡng vì ban giám đốc đã họp bàn nhiều lần trước khi quyết định đưa tôi ra làm người thuyết trình về kỹ thuật...

Tôi đã “ăn không ngon, ngủ không yên” suốt hai tuần lễ chuẩn bị tài liệu thuyết trình, và cuối cùng lại còn run sợ hơn nữa vì cuộc họp được dời về trụ sở của hãng Booz, Allen & Hamilton (BAH) để tiện đường “Metro” (xe điện ngầm) cho những người tham dự, đặc biệt là nhân viên chính phủ đến từ Hoa Thịnh Đốn. Tôi chẳng xa lạ gì với hội trường của hãng BAH, vì lúc mới qua Mỹ tôi vẫn tới nơi này mỗi tối để lau chùi quét dọn trong thời gian còn là sinh viên ở Virginia. Tôi lo sợ không biết những nhân viên và ban quản trị tại đây sẽ nghĩ gì về mình khi nhận ra anh chàng “thuyết trình viên” hôm đó xuất thân là người “lao công quét dọn” văn phòng cho họ hơn 8 năm về trước. Tôi tâm sự với một số bạn bè người Việt trong sở về điều này và  người nào cũng ưu tư lo lắng cho tôi. Đã tới đường cùng nên tôi chỉ biết liều mình “nhắm mắt đưa chân” phó mặc cho số phận. Ngay từ đầu, cơ hội thành công của tôi chỉ như “sợi tóc treo mành” vì tất cả những hãng đấu thầu đều muốn gạt TRW ra khỏi vị trí đứng đầu về kỹ thuật trong đề án mới; riêng cá nhân tôi chỉ là một người “thiểu số” nói tiếng Anh chưa rành... và bây giờ lại còn thêm mặc cảm là  người “lao công quét dọn” ngay chính nơi mình sẽ lên bục đứng thuyết trình.

Buổi sáng hôm đó tôi tới “hiện trường” thật sớm nhưng đã có lác đác một số người đang xếp hàng trước phòng tiếp tân để nhập tên và tài liệu. Theo chương trình, tôi và  4 người thuyết trình khác sẽ lên họp bàn với phát ngôn viên của Bộ Năng Lượng khoảng 30 phút trước khi bắt đầu, để làm quen và  thống nhất chương trình làm việc. Vừa bước vào văn phòng phía sau hội trường, tôi đã đụng đầu ngay ông Sam, phó chủ tịch của hãng BAH, đang đứng tán gẫu với người điều khiển chương trình hôm đó, bà Jeanette, phát ngôn viên của Bộ Năng Lượng. Sau khi bắt tay giới thiệu, ông ta quay sang hỏi tôi:

- Tôi thấy anh quen lắm, không biết chúng mình đã bao giờ gặp nhau chưa?

Tôi đã nhận ra ông Sam chính là vị giám đốc đã từng nói chuyện và khích lệ tôi ngày trước, mỗi khi tôi đến hút bụi văn phòng cho ông vì hầu như tối nào ông ấy cũng ở lại rất trễ, nên nhỏ nhẹ trả lời:

- Gần 10 năm trước, tôi vẫn tới dọn dẹp văn phòng cho ông mỗi tối.

- À ha. Anh chính là “người sinh viên trẻ” vừa đi học vừa làm lao công ban tối. Đúng rồi. Tôi đã nhớ ra rồi. Anh chỉ già dặn hơn một tý. Khâm phục... Khâm phục!

Tôi chỉ biết mỉm cười nói “cám ơn”, còn bà Jeanette thì niềm nở:

- Hay quá! Nếu anh John không ngại, tôi sẽ dùng chi tiết này để giới thiệu về anh trước khi thuyết trình.  Sam nghĩ sao?

- Tôi cũng nghĩ vậy. Để xem... Từ hơn 8 năm nay, tôi không gặp lại John, và tôi cũng chưa bao giờ gặp một người lao công ham học như thế. Tôi còn nhớ John đã từng xin tôi những xấp giấy chi chít những “source code” nhân viên của tôi vất thùng rác để về nghiên cứu học hỏi thêm. Đáng lẽ ngày đó tôi nên nói chuyện với anh nhiều hơn và thuê anh vào làm trong hãng của tôi... Sau khi anh nghỉ làm ban đêm, tôi hỏi thăm mới biết anh đã ra trường và có việc làm tốt, nhưng tôi không ngờ “thuyết trình viên kỹ thuật” hôm nay lại chính là anh. Anh xứng đáng làm thầy của chúng tôi!

Sau đó, bà Jeanette nhờ ông Sam ghi lại những chi tiết về cá nhân tôi trong khi bà tiếp tục gặp gỡ và nói chuyện với những thuyết trình viên khác vì đã có vài người tới phòng họp. Sau mấy phút giới thiệu và họp bàn về buổi thuyết trình, ai ai cũng vui vẻ khích lệ tôi... Theo chương trình, bà Jeanette và ông Sam sẽ điều hợp chương trình và năm chúng tôi sẽ ngồi trên “sân khấu”, quay mặt xuống hội trường với khoảng gần 400 người tham dự. Tôi sẽ là người thuyết trình cuối cùng vì trước đó, đại diện Bộ Năng Lượng sẽ nói sơ qua kế hoạch chung của quốc gia về vật liệu phế thải chất phóng xạ, một người sẽ nói về dự án “Yucca Moutain”, rồi các công ty trúng thầu, hãng nào lo phần nào cũng như kế hoạch nghiên cứu, quản lý tài chánh và cuối cùng là hệ thống thông tin, nối kết tất cả vào một mối do chính tôi trình bầy.

Tôi mừng thầm trong bụng vì bước đầu coi như thuận lợi. Trong nhóm thuyết trình viên, ngoại trừ anh chàng giám đốc của hãng Duke Engineering có vẻ hơi “kỳ thị” vì thường nhăn mặt hay nheo mắt mỗi khi nhìn tôi, còn những người khác đều rất vui vẻ hòa đồng... 

* * * * *

Tôi run run đứng dậy chuẩn bị lên bục thuyết trình khi bà Jeanette giới thiệu:

- Để tiếp tục chương trình, tôi xin nhường lời lại cho ông Sam, phó chủ tịch của BAH sẽ giới thiệu một thuyết trình viên rất đặc biệt, đến từ hãng TRW sẽ trình bầy với chúng ta về “systems integration” của dự án “ Yucca Mountain ”. 

Ông Sam chờ tôi bước lên bục thuyết trình và khi “ánh đèn sân khấu” đã rọi vào tôi, mới bắt đầu lên tiếng:

- Kính thưa quý vị, tôi rất hãnh diện được bà phát ngôn viên của Bộ Năng Lượng uỷ thác cho việc giới thiệu anh John Nguyễn, một thuyền nhân Việt Nam đến Mỹ mới được 10 năm nay, và tôi đã có cơ may “quen biết” anh ta trong thời gian đó. Suốt hơn 2 năm trời, mỗi tối anh John vẫn tới lau chùi quét dọn văn phòng cho chúng tôi trong lúc theo học đại học; kính thưa quý vị, chính cái hội trường này cũng đã từng được anh ta hút bụi, lau bàn ghế... Và hôm nay, 8 năm sau, anh John đã trở về, không phải để làm “custodian” buổi tối, nhưng là đứng trên “podium” sáng nay để làm “thầy” dẫn giải cho chúng ta về phương án nối kết tất cả hệ thống máy móc trong dự án này. Kính thưa quý vị, giọng nói của anh John có thể còn mang nặng âm hưởng Á Châu, nhưng đồ án anh ta đưa ra, tôi thiết nghĩ quý vị cũng sẽ đồng ý với chúng tôi là “không chê vào đâu được” vì chính tôi và nhiều người đã xem qua và tất cả đều đồng ý như thế. Bây giờ, tôi xin được trân trọng giới thiệu anh John, một người đã rời bỏ “quê cha đất tổ” và gia đình để bước xuống một chiếc thuyền tre nhỏ bé, cùng bạn bè vượt biển tìm tự do, một thân một mình tới Mỹ, vừa tự mưu sinh vừa tiếp tục học để có được ngày hôm nay. Và đây, anh John Nguyễn, một thuyền nhân Việt Nam , một người lao công đã từng quét dọn nơi này, nhưng sáng hôm nay là thuyết trình viên kỹ thuật của chúng ta.

Tôi bàng hoàng xúc động vì những lời giới thiệu của ông Sam... Trong khi cả hội trường rền vang tiếng vỗ tay cổ võ, tim tôi đập mạnh, tâm trí tôi vượt thời gian tìm về dĩ vãng của những ngày gian khổ ở quê nhà, những ngày lênh đênh trên biển, những ngày đợi chờ trong lo âu ở trại tỵ nạn Galang, và những ngày đầu bơ vơ lạc lõng nơi xứ lạ quê người. Khi tiếng vỗ tay vừa dứt, tôi nghẹn ngào run rẩy bắt đầu:

- Kính thưa quý vị, tôi xin chân thành cám ơn những lời giới thiệu chân tình của bà Jeanette và ông Sam. Tôi xin cám ơn những tràng pháo tay khích lệ của quý vị dành cho tôi, một người Việt Nam nói tiếng Mỹ chưa rành. Tôi xin cám ơn ban giám đốc TRW và toàn thể ban quản trị dự án “ Yucca Mountain ” đã tín nhiệm tôi... Từ chốn tận cùng của trái tim tôi, một niềm cảm xúc nghẹn ngào đang ào ạt dâng lên như sóng đại dương nên giọng nói của tôi lại càng khó nghe hơn lúc bình thường; tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng tất cả quý vị sẽ thông cảm bỏ qua những sai lỗi của tôi trong cách phát âm tiếng Mỹ không chuẩn. Thêm vào đó, tôi cũng hy vọng rằng những sơ đồ minh họa trên màn ảnh sẽ thay tôi giải thích tất cả, vì ai trong chúng ta cũng hiểu rằng một biểu đồ (diagram) còn có giá trị hơn cả ngàn lời giải thích loanh quanh...

Tôi thật sự choáng ngợp và bối rối vì một tràng pháo tay lớn và rất dài vang lên từ khắp hội trường; tuy nhiên, tràng pháo tay đó cũng đã giúp tôi thêm lòng tự tin và hoàn tất buổi thuyết trình một cách tốt đẹp. Cũng có một vài câu hỏi có tính cách bắt bẻ, một vài ý kiến đề nghị thay đổi chỗ này chỗ kia, nhưng phần lớn đều đồng ý và tán thành đề án kỹ thuật của TRW do tôi trình bầy.

Ngay khi chương trình vừa chấm dứt, ông xếp của tôi chạy vội ra phía sau hội trường nắm chặt tay tôi khích lệ:

- John. Chúng tôi rất hãnh diện vì anh. Anh cứ ở đây gặp gỡ làm quen những người khác, hôm nay không cần về lại văn phòng. Ngày mai chúng ta sẽ nói chuyện nhiều hơn. Cố gắng lên. Anh làm tốt lắm. Anh nói bằng con tim và trí óc chứ không phải bằng miệng lưỡi... Đừng mang nặng mặc cảm về giọng nói của mình nữa.

Tôi hớn hở bước ra hành lang phía trước hội trường, bắt tay trò chuyện với nhiều người thuộc nhiều hãng xưởng khác nhau. Người hỏi về chuyện vượt biên, “thuở hàn vi” ngày đi học tối làm lao công, kẻ hỏi về phương án làm việc và trao đổi “business card”... Tôi choáng ngợp vì ân tình của bao nhiêu người xa lạ, có những người đã từng là “đối thủ” của tôi trong thời gian đấu thầu dự án Yucca Mountain... Giữa tiếng ồn ào náo nhiệt của bao nhiêu người vây quanh, tôi nghe vọng tới một giọng phụ nữ nói tiếng Việt:

- Anh Khanh nì... Mình chờ một tý gặp anh John làm quen và mời anh ấy về Eden ăn trưa luôn cho vui.

- Đi thôi. Thằng chả chỉ gặp may chứ có hay ho gì hơn ai!

- Mình cũng được hãnh diện vì là người Việt chứ anh.

- Nếu Thy mê nó thì cứ ở lại chờ.

- Anh kỳ quá hà. Hơi một tý là ghen bậy ghen bạ. Đi thì đi...

Tôi ngoái cổ nhìn chung quanh nhưng vì chiều cao quá khiêm tốn của mình nên không tìm được những người bạn “đồng hương yêu dấu” ấy... Tự nhiên tôi cảm thấy cô đơn lạc lõng giữa rừng người không cùng màu da, tiếng nói. Tôi được người ngoại quốc niềm nở tiếp đón và có vẻ thán phục, nhưng hình như, tôi không được một số “đồng bào” của tôi tiếp nhận! Tại sao?

Mãi gần nửa giờ sau tôi mới một mình lững thững lê bước ra bãi đậu xe, lòng buồn man mác nhớ lại câu ca dao tôi đã thuộc nằm lòng từ thuở còn mài đũng quần trên ghế trường tiểu học ở Làng Ba, Bình Giả:

Khôn ngoan đối đáp người ngoài,
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.

Mẹ Việt Nam ơi, từng bước từng bước chúng con đang hội nhập vào nền văn hóa mới, nhưng cũng từng bước từng bước chúng con đang quên dần tình nghĩa “đồng bào” theo truyền thuyết “con rồng cháu tiên” của hơn bốn ngàn năm văn hiến. Liệu rồi thế hệ con cháu người Việt đang lưu lạc khắp bốn phương trời có còn nhận nhau là anh chị em “máu đỏ da vàng” nữa không?

Nguyễn Duy-An


Tác giả Nguyễn Duy An thuở thiếu thời ở Bình Giã (Ngãi Giao), một khu đồn điền cao su của người Pháp, nằm trên đường Ngã Ba Tân Phong đi Bà Rịa - Vũng Tàu qua các vùng Cẩm Mỷ, Xà Bang, Suối Nghệ...toàn là cao su. Sau khi vượt biên được vào Mỹ, đương sự đã chịu khó vừa học vừa làm trong 10 năm đã thành đạt như hôm nay.   Bài viết rất hay.!!!