Tiếng đập cửa ầm ầm cùng với tiếng quát tháo " chủ nhà mau mở cửa ! " làm Bà Giáo hoảng sợ vội vã bước ra mở cửa ngay.
Hai người đàn ông một già một trẻ, cổ quấn khăn rằn và trên tay đang lăm lăm khẩu súng AK, đã xông ngay vào phòng ngủ của Ông Giáo. Rất may hôm đó Ông Giáo bận việc phải ở lại rất trễ tại Tòa Hành Chánh Tỉnh BX nên không kịp về nhà ngủ buổi tối và hai đứa con trai là Bình và An lúc đó đang ngủ trong phòng của Ông.
Hai nòng súng AK chĩa vào đầu hai đứa trẻ làm cả Bình lẫn An sợ hãi khóc thét lên. Người đàn ông lớn tuổi đã chuyển họng súng quay lên trời và ra lệnh ngắn gọn cho người trẻ tuổi : " Hắn không có ở nhà. Thôi chúng ta rút lui ."
Đến biến cố 30 tháng tư năm 1975, người đàn ông lớn tuổi năm xưa, là người có sinh quán cùng một làng Kế An tỉnh BX với Bình, đã từ chức vụ Tổ Trưởng Tổ Ám Sát Huyện leo lên được tới chức Huyện Đội Trưởng huyện KS. Còn hai đứa trẻ năm xưa đã theo vận nước nổi trôi bỏ học dở dang tại trường THCLHD để theo Mẹ già về quê làm ruộng.
Sau nhiều năm tháng lao tù nhọc nhằn Ông Giáo đã trở về làng quê nghèo năm xưa để sống cuộc đời lam lũ của một nông dân. Vào một buổi chiều ảm đạm cuối năm ba cha con Ông Giáo đang bơi xuồng trên kinh thủy lợi mới được đào trên đường trở về nhà sau một ngày đồng áng vất vả thì bất ngờ một ông cụ già đứng trước chòi chăn vịt của ông đã đưa tay ngoắc ba cha con Ông Giáo. Tưởng ông già này này muốn quá giang xuồng để đi ra chợ mua đồ ăn nên Bình đã ghé xuồng vào bờ ngay. Ông già đã vồn vã lên tiếng trước : " Mời Chú Hai vô chòi Anh Bảy uống nước chơi rồi hãy dzìa. Trời còn sớm mà. " Cả ba cha con Ông Giáo đã sợ điếng hồn khi nhận ra Ông Bảy, người vừa lên tiếng chào Ông Giáo, chính là người đàn ông lớn tuổi năm xưa đã sém chút nữa nhả đạn AK vào đầu Bình vì trong những năm tháng lao tù Ông Bảy đã từng là " giảng viên" trong những buổi thuyết pháp về chính trị cho tù nhân trong trại cải tạo Cái Cao.
Ba cha con Ông Giáo tuy sợ hãi nhưng riêng Bình thì vẫn rất bình tĩnh và một phần vì tò mò cộng thêm trong lòng nghĩ rằng Ông Bảy ra nông nỗi này thì chắc cũng không còn làm hại gì được ai nữa nên đã làm gan ngừng xuồng lại và nắm tay dắt cha già bước lên bờ thăm chòi vịt của Ông Bảy.
Căn chòi vịt nằm trơ trọi giữa cánh đồng trống trải trông thật nghèo nàn với gia tài đơn giản của Ông Bảy chẳng có gì cả ngoài bầy vịt đang quang quác kêu bên ngoài và trong chòi chỉ có một cái nóp (chắc Ông Bảy đã để dành đâu từ thời tham gia Nam Bộ Kháng Chiến), một cái ông lò, lỏng chỏng trên kệ vài cái chén, vài cái ly. Và có lẽ quan trọng và quý giá nhất là một chai rượu đế loại một lít vẫn còn đầy . Sau khi dọn ra một điã hột vịt lộn, Ông Bảy đã với tay lấy chai rượu đế rót đầy vào một cái ly và niềm nở mời Ông Giáo: " Lúc trước tao yêu nước CHMNVN của tao và chú mày cũng yêu nước VNCH của chú mày nên nếu mà gặp nhau là "dzớt" nhau cái đùng liền vì chẳng thằng nào chịu tha mạng sống cho thằng nào. Bây giờ chú mày là người mới đi tù dzìa. Còn tao là thằng già hết thời đã mất hết quyền thế. Cho nên anh em mình chỉ còn lại duy nhất một thứ nước này để mà yêu. Tao lớn tuổi hơn Chú Hai nên làm hỗn uống trước nghe. " Và Ông Bảy đã "dzô" một phát "trăm phần trăm" ngọt sớt hết sạch ly rượu. Lúc đó Bình đã hỏi một câu hỏi tò mò : " Uả Bác Bảy đang làm việc trên Huyện Đội mà sao lại bị chuyển công tác về..." làm việc" với bầy vịt này dzậy ? " Ông Bảy cười khà khà trả lời theo lối nói cà rỡn của dân Sóc Trăng :" Bà Mẹ nó ! Tao đánh Mỹ thì thắng lớn vậy mà khi đụng trận nhầm " Mỹ... A " thì đã bị thua đậm tới tuột quần và bay mất chức Huyện Đội Trưởng luôn đó bây ui ." Bình có được nghe phong phanh chuyện Ông Bảy " sờ mó " mấy chị...em ta là mấy mụ Cán Bộ Phụ Nữ Huyện sồn sồn nên đã bị khai trừ khỏi Đảng CS và bị cho về vườn để giữ vịt luôn nên Bình đã tin lời thú tội trước " hoàng hôn trên cánh đồng quê" của Ông Bảy là chính xác 100 %. Nhìn hai ông già đã từng là kẻ thù " không đội trời chung của nhau" vì đã trót yêu hai cái nước nay đã bị xóa tên sau năm 1976 đang cùng nhau" yêu tha thiết" hết sạch một chai " nước mắt quê hương" mà Bình muốn rơi lệ cho cảnh huynh đệ tương tàn của một cuộc chiến tranh do ngoại bang gây ra rồi cũng chính ngoại bang đãchạy tội bằng cách nói câu sỏ lá chẳng hạn như người Mỹ hay nói : " Việt Nam war, the war nobody wanted ! ".
Khoảng một năm sau đó thì An đi vượt biên trót lọt và đã được Dì Út của An đang dạy học tại Sorbonne University bảo lãnh về để đi học lại tại Paris. Bình thì số phận kém may mắn hơn vì sau chín lần vượt biên và ba lần ngồi tù không án Bình cũng trốn thoát ra khỏi được VN.
Tại quê nhà nghèo khổ Ông Bảy thỉnh thoảng cũng rời chòi vịt ghé nhà " Chú Hai " nhưng không phải để cùng yêu...nước mắt quê hương nữa vì Ông đang bị khốn khổ vì bệnh đau bao tử. Ông ghé nhà Ông Giáo để nhận ít vỉ thuốc đau bao tử" Tagamet " của An gửi từ Pháp về để biếu "Bác Bảy."
Ông Bảy qua đời vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Vài năm sau Ông Giáo cũng giã từ vợ con để về Thiên Đàng trong cảnh cô đơn vì các con của Ông lần lượt đã nối gót nhau bỏ xứ VN ra đi. Ông Gíao nằm yên giấc ngàn thu tại Đất Thánh Công Giáo. Còn Ông Bảy được an táng tại Nghĩa Trang Nhân Dân của Xã.
Mùa hè năm 2008, trò TNA HD 68-75 cùng ... giai tế HD NVS đã trở lại thăm quê hương Sóc Trăng. Trò TNA đã ghé thăm phần mộ của Ông Giáo dùm trò Bình làm trò Bình cảm động nhiều lắm... Sau đó trò Bình đã gọi điện thoại sang Pháp nhắn tin vui này cho An đang ở Paris. An nói một câu làm cho Bình phải suy nghĩ rất nhiều về cảnh đời lưu vong " khóc cười theo vận nước nổi trôi. " An đã đề nghị với Bình như vầy: "Mai mốt nếu em có dịp về VN thăm mộ phần của Ba và Bác Bảy, em sẽ cố gắng xách theo một chai Hennessy và một chai Remy Martin đem ra cúng trước mộ phần của hai ông để hai ông già cùng yêu thêm ... nước mắt quê hương ...mới của anh em tụi mình là Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ và Cộng Hòa Pháp. "
Remy Nguyễn Ngọc Vang CHS THCLHD BX
Paris-Ngày Cầu Nguyện cho Hòa Bình Thế Giới
Paris-Ngày Cầu Nguyện cho Hòa Bình Thế Giới
01-01-2012